Người dân trong khu căn hộ cao tầng 584 (TP HCM) khẳng định với phóng viên báo Pháp luật Plus: Nhiều năm nay, cả 8 thang máy trong khu chung cư đều thường xuyên hư hỏng. Dù người dân nhiều lần báo, nhưng chủ đầu tư và ban quản lý chung cư vẫn không giải quyết.
Gần 2 ngày xảy ra sự cố kẹt thang máy khiến 16 người “chết hụt”, những người dân nơi đây mỗi lần đi thang máy đều ớn lạnh. Sau sự cố nghiêm trọng hôm 23/3 vừa qua, theo ghi nhận của phóng viên Pháp luật Plus, chiếc thang máy đã niêm phong, chờ sửa chữa. Không an tâm, một số chọn phương án đi bộ để xuống hoặc lên tầng, một số thì hạn chế đi lại. Còn số người còn lại “miễn cưỡng” đành “liều” đi nhưng trong lòng nơm nớp lo sợ.


Theo ghi nhận của PV Pháp luật Plus, những nạn nhân vụ kẹt thang máy trong chung cư 584 (đường Lũy Bán Bích, quận Tân Phú, TP. HCM), thời điểm xảy ra sự cố, họ đã cố gọi điện theo bản hướng dẫn. Tuy nhiên, dù mọi người đã bấm số của ban quản lý, chủ đầu tư, chuyên viên kỷ thuật thang máy… cũng bất thành.
Bà Nguyễn Thị Huyền Thanh, một người vừa được giải cứu khỏi thang máy bị kẹt, vẫn chưa kết hoảng hốt, bà kể lại: “Lúc đó, chúng tôi vừa bước vào thì cửa đóng lại rất nhanh. Thang nhúc nhích một tí rồi sập xuống và ngừng hẳn. Sau một lúc tìm cách mở cửa thang máy để ra ngoài, nhiều người mất bĩnh tĩnh, hoảng loạn, la hét cầu cứu. Thang nhỏ lại vào đông nên rất chật chội, oi bức, ngộp không khí, cộng mới mùi hôi thối bốc ra từ ống dẫn rác kế bên khiến mọi người lả dần đi, một vài người ngất xỉu”.
Cũng theo lời bà Thanh thì rất nhiều người đã nghĩ rằng, có thể họ sẽ chết. Bởi, không chỉ mọi người, mà bà lúc đó vô cùng hoảng loạn. Ai cũng gào thét, dùng điện thoại gọi điện nhưng bất thành. Chính bà Thanh đã gọi theo các số điện thoại khẩn cấp theo bản hướng dẫn dán tạm trong thang máy như: số ban quản lý chung cư, số chuyên viên bảo trì trong thang máy nhưng không ai bốc máy. Đến dãy số thứ 5 thì một nhân viên bảo trì nghe máy nhưng người này không còn làm cho khu chung cư 584 nữa.
Rất nhiều phút đồng hồ trôi qua thì thông tin mới đến được bộ phận bảo trì thang máy của tòa nhà. Người tham gia cứu hộ là anh Nguyễn Đình Vũ (nhân viên kỹ thuật của khu căn hộ), anh kể lại với PV: “Khi nghe tiếng kêu cứu, tôi chạy đến dùng nhiều vật dụng như xà beng, khúc gỗ cố gắng cạy cửa thang máy nhưng không được. Sau đó, chúng tôi cố tạo một khe hở để mọi người bên trong hít thở. Sau đó thì mới tìm phương án phá cửa thang máy, 16 người mới được đưa ra ngoài”.
Theo quy định, cả 8 thang máy trong khu căn hộ cao tầng 584 đều thuộc loại nhỏ, tải trọng 1.000 kg và sức chứa tối đa 13 người, nhưng thời điểm xảy ra sự việc có đến 16 người chen chúc nhau bước vào. Và chính những người này cũng không hề biết, có quy định tải trọng của thang máy chỉ an toàn trong phạm vi tối đa là 13 người.
Anh Nguyễn Đình Vũ cũng cho biết thêm, sau sự cố, bộ phận thang máy đã trích xuất hình ảnh từ camera thì được biết, trước thời điểm xảy ra sự việc, đèn hiệu trên thang máy liên tục nhấp nháy, báo hiệu thang gặp sự cố. Nhưng 16 nạn nhân không biết nên đã bước vào và gặp nạn.
Được biết, vào chiều tối 23/3, theo tìm hiểu, đó là 16 người gặp nạn hầu hết không phải là cư dân tòa nhà mà là khách đến ăn giỗ tại một căn hộ ở tầng 11. Khi xuống thì họ chỉ đi theo sơ đồ thang máy của tòa nhà và gặp sự cố.
Vậy câu hỏi đặt ra là, đã có dấu hiệu cho thấy thang máy đang xảy ra sự cố (đèn tín hiệu báo) ở thời điểm trước khi xảy ra sự cố, nhưng không ai đến cảnh báo? Tại sao những số máy điện thoại mà những người có trách nhiệm trong khu chung cư cao tầng hỗ trợ người sử dụng gọi trong lúc cấp bách, hoạn nạn lại không được? Việc cảnh báo lượng người được sử dụng thang máy đảm bảo trực tiếp đến an toàn tính mạng của người dân, một việc rất đơn giản nhưng những người có trách nhiệm vẫn không làm?
Ai, đơn vị nào là người đứng ra đảm bảo tuyệt đối sự an toàn tính mạng của người dân mỗi khi sử dụng thang máy? Những câu hỏi này thiết nghĩ, chủ đầu tư tòa nhà, ban quản lý phải sớm đưa ra câu trả lời. Bởi, nhiều năm qua người dân rất bức xúc vì nhiều vấn đề đang tồn tại, nhất là vấn đề trục trặc thang máy, chuyện đã hơn một lần xảy ra.
Người này tiếp tục đặt câu hỏi: “Có khi nào những người có trách nhiệm, thống kê được có bao nhiêu hộ dân, bao nhiêu mạng người sống trên cao tầng dù thế nào cũng phải buộc phải dùng thang máy để di chuyển hay không? Họ sợ lắm, nhưng kêu nhiều rồi vẫn thế. Chúng tôi rất lo sợ, sau vụ việc vừa qua, sẽ có một sự việc tương tự”.Một người dân (xin giấu tên) nói trong lo lắng: “Nhà thì hàng chục tầng, thử hỏi ai đủ sức để đi bộ từ tầng dưới nhất đến tầng cao nhất? Những người sống tầng dưới cùng, họ có thể đi bộ được, nhưng chúng tôi sống trên tầng cao, dù sợ thang máy xảy ra sự cố nhưng vẫn phải sử dụng”.
Một số cư dân cũng không giấu được sự bức xúc và cho biết, thang máy ở chung cư đã gặp sự cố rất nhiều lần, mỗi lần gặp sự cố, mọi người đều có báo BQT nhưng vụ việc chỉ dừng lại ở việc kiểm tra qua loa là xong, chi phí cũng do người dân đóng góp.
Còn chị Trần Thị Bích Hằng (tổ trưởng khu D, nơi xảy ra sự việc) cho biết: “Mặc dù người dân đã nhiều lần báo nhưng chủ đầu tư và ban quản lý chung cư vẫn không giải quyết nên người dân đành tự góp tiền mỗi hộ 1,5 triệu tự sửa thang máy”.Một bảo vệ của chung cư xác nhận: “Tôi thấy nhiều người hoang mang lắm! Họ đứng trước thang máy còn lại mà đắn đo, không biết có nên đi hay không. Tôi nghĩ người ở tầng cao quá phải nín thở mà đi, còn người tầng thấp thì đành đi bộ cho an toàn”.
Như vậy, nhiều năm qua, người dân sống tại chung cư này luôn phải sống trong bất an vì thang máy liên tục gặp sự cố. Cả 8 thang máy đều không có giấy kiểm định định kỳ, hệ thống PCCC bị tê liệt hoàn toàn, bãi đậu xe không có, nguy cơ cháy nổ mất an toàn luôn tiềm ẩn rình rập.
Quyền lợi, tính mạng, tài sản,… của cư dân nơi đây đã và đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Ai, cơ quan, đơn vị nào chịu trách nhiệm về vấn đề này?
Tổng Hợp