3 vấn đề nổi cộm được Doanh nghiệp bất động sản kiến nghị lên Thủ tướng

Tại buổi gặp mặt của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc với hơn 300 doanh nghiệp được tổ chức tại TP Hồ Chí Minh hồi cuối tháng 4, hàng loạt các vấn đề tồn đọng đã được các doanh nghiệp đề ra, trong đó có những vấn đề thuộc lĩnh vực bất động sản.

3-van-de-noi-com-duoc-doanh-nghiep-bat-dong-san-kien-nghi-len-thu-tuong-37909

Nhân dịp này, ông Lê Hoàng Châu, đại diện cho Hiệp hội bất động sản TP Hồ Chí Minh (HoREA) cũng đã kiến nghị lên Thủ tướng những vấn đề nổi cộm đang cản trở sự phát triển ổn định của thị trường bất động sản.

Từ thực tiễn vận hành của thị trường bất động sản hiện nay, ông Châu đã kiến nghị lên Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc 3 vấn đề lớn đối với thị trường bất động sản.

Tiền sử dụng đất đang là gánh nặng

Vấn đề đầu tiên, HoREA kiến nghị Chính phủ xem xét sửa đổi cách tính tiền sử dụng đất như là một sắc thuế khi chuyển mục đích sử dụng đất thành đất ở.

Theo ông Châu, thực tế hiện nay tiền sử dụng đất đang là gánh nặng không chỉ của các doanh nghiệp mà còn của các hộ gia đình có nhu cầu chuyển đổi mục đích sử dụng đất. Đặc biệt đối với các doanh nghiệp đầu tư dự án, nhà đầu tư gần như phải mua lại quyền sử dụng đất 2 lần do không thể tính trước được khi quyết định đầu tư.  Vấn đề nay không chỉ gây tốn kém cho doanh nghiệp mà còn tạo ra hiện tượng xin-cho.

Trước đó, trong báo cáo số 196/BC-UBND  ngày 8/11/2013 của UBND Thành phố trình Chính phủ đã đề nghị: Về lâu dài, kiến nghị Chính phủ nghiên cứu bỏ hẳn khái niệm “tiền sử dụng đất” mà thay thế bằng sắc thuế sử dụng đất ở với thuế suất nhất định, khung đề xuất từ 10-15% bảng giá đất.

Hiệp hội cũng nêu ý kiến, trong trường hợp đề xuất trên chưa được chấp nhận thì Chính phủ cho phép doanh nghiệp khấu trừ chi phí thực tế giải phóng mặt bằng vào tiền sử dụng đất.

Kiến nghị xem xét việc siết chặt tín dụng bất động sản

Trước việc Ngân hàng Nhà nước đưa ra dự thảo sửa đổi Thông tư 36 với nhiều điểm được cho là “siết” chặt hơn tín dụng bất động sản. Những điểm nổi bật có thể kể ra là, Ngân hàng chỉ được sử dụng tối đa 40% (quy định cũ là 60%) nguồn vốn ngắn hạn để cho vay trung và dài hạn. Đồng thời, hệ số rủi ro của các khoản phải đòi để kinh doanh bất động sản sẽ được tăng từ 150% lên 250% .

Lãnh đạo một số doanh nghiệp bất động sản cho rằng, việc sửa đổi Thông tư 36 là cần thiết để các chủ đầu tư dự án, các ngân hàng thương mại, các nhà đầu tư kinh doanh thứ cấp đều phải tự điều chỉnh và tái cấu trúc đầu tư, kinh doanh để đảm bảo thị trường phát triển lành mạnh, bền vững. Tuy nhiên, đại diện các doanh nghiệp đề nghị Chính phủ xem xét một cách thận trọng khi sửa đổi thông tư này nhằm tránh gây sốc cho thị trường.


Doanh nghiệp mong Chính phủ cẩn trọng khi xem xét việc siết tín dụng bất động sản

Cụ thể, HoREA đề nghị Ngân hàng nhà nước thận trọng khi xem xét sửa đổi Thông tư 36 tại khoản 5 điều 17. Theo đó, hiệp hội đề nghị cho phép tổ chức tín dụng được sử dụng nguồn vốn ngắn hạn để cho vay trung hạn, dài hạn với tỉ lệ tối đa 50% thay vì 40%, giữ nguyên hệ số rủi ro các khoản phải đòi là 150% và nên lùi quy định này sang năm 2017.

Tạo sự công bằng trong hoạt động kinh doanh bất động sản

Theo HoREA, hiện đang có quy định riêng đối với doanh nghiệp Bất động sản là không được lấy lợi nhuận từ kinh doanh bất động sản để bù trừ cho các hoạt động khác bị thua lỗ. Điều này đã có từ lâu và từng được đề xuất sửa đổi nhưng vẫn chưa thành hiện thực nên các DN lại phải một lần nữa kêu tới Thủ tướng.

Đây được HoREA đánh là quy định bất công đối với lĩnh vực bất động sản khi hầu hết các ngành nghề đều được Nhà nước cho phép hạch toán bù trừ trong quá trình kinh doanh để xác định lợi nhuận và nghĩa vụ nộp thuế thu nhập doanh nghiệp. Nhưng cơ chế này lại không được áp dụng một cách đầy đủ cho lĩnh vực kinh doanh bất động sản

Thực tế, các doanh nghiệp bất động sản đã nhiều lần góp ý sửa đổi quy định này, tại Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các Luật thuế được xây dựng cuối năm 2014, Bộ tài chính có đề xuất sửa đổi điều này trong phần liên quan đến Luật thuế TNDN.

Trước đó, Bộ Tài chính cũng đã trình Chính phủ cho bổ sung quy định doanh nghiệp được bù trừ lãi từ chuyển nhượng BĐS với lỗ từ hoạt động sản xuất kinh doanh.  Theo cơ quan soạn thảo, điều này là phù hợp với thực tế hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, tạo cơ sở để  góp phần tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong xử lý tài sản bảo đảm để thu hồi nợ xấu.  Tuy nhiên, đề xuất này cho đến nay vẫn chưa thành hiện thực.

Thực tế hiện nay chỉ 1 số ít quốc gia áp dụng quy định này giống với Việt Nam. Do đó theo ông Châu, cần bỏ quy định này và cho phép được bù trừ lỗ của các hoạt động sản xuất, kinh doanh khác với lợi nhuận từ kinh doanh BĐS để phù hợp với các điều ước quốc tế mà nước ta đã ký kết.

Theo PLO