Ngân hàng Nhà Nước vừa có thông tư yêu cầu các nhà băng kiểm soát chặt, hạn chế cho vay vốn đối với một số doanh nghiệp bất động sản lớn mà dự án đầu tư chủ yếu là bất động sản cao cấp, nghỉ dưỡng. Tuy nhiên, điều này không gây ảnh hưởng lớn do những doanh nghiệp bất động sản đã có sự chuẩn bị từ trước …

Theo báo cáo của Bộ Xây dựng được văn bản dẫn lại, hiện nguồn cung nhà ở cao cấp đang nhiều hơn nhà xã hội và thương mại giá rẻ. Dự báo từ nay đến cuối năm, phân khúc này có thể dư thừa. “Do đó, đề nghị ngân hàng hạn chế và thận trọng khi xem xét, thẩm định cho vay các dự án mới, đặc biệt là dự án nhà ở thương mại cao cấp, khu nghỉ dưỡng, dự án có khả năng thanh khoản thấp”, văn bản của Ngân hàng Nhà nước cho hay.
Riêng với những dự án đang tài trợ vốn, nhà điều hành cũng yêu cầu các ngân hàng thương mại rà soát, đánh giá lại tình hình cho vay, giám sát chặt việc dùng vốn vay, tiến độ, tình hình tài chính, doanh thu và các nguồn trả nợ khác của khách để có biện pháp tăng cường quản lý rủi ro, đảm bảo thu hồi vay nợ đầy đủ, đúng hạn.
Đến hết tháng 7, theo đánh giá của Ngân hàng Nhà nước, các nhà băng trên hệ thống đang có mức độ tập trung vốn vào bất động sản khá lớn. Do đó, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước ngay từ tháng 7 đã đưa ra hàng loạt chỉ đạo để chấn chỉnh hoạt động cho vay trong lĩnh vực này của các nhà băng.
Đồng thời với chỉ đạo “siết” vốn đổ dồn dập vào bất động sản cuối năm, Ngân hàng nhà nước cũng yêu cầu các đơn vị tập trung cho vay đầu tư các lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ.
Nhanh chóng tìm kiếm nguồn vốn mới

Việc ngân hàng Nhà nước quan tâm đến tình trạng an toàn của cả hệ thống tín dụng rõ ràng là trách nhiệm đương nhiên của Ngân hàng Nhà nước, tuy nhiên theo ý kiến riêng, lãnh đạo GP Invest cho rằng cách làm này có lẽ chưa thật hợp lý, bên cạnh tác dụng thực của thông tư nó lại làm dấy lên một tâm lý lo ngại của thị trường và kèm theo đó là những hậu quả liên quan đến một loạt các ngành sản xuất, dịch vụ khác như sản xuất vật liệu xây dựng, thi công xây dựng… Tác dụng phụ này sẽ làm ảnh hưởng xấu cả đến tình hình công ăn việc làm của toàn xã hội.
Thời gian qua có 1 loạt dự án bị đóng cửa, đắp chăn vì chủ đầu tư không có năng lực, buộc phải dừng dự án, chuyển nhượng làm cho thịt trường trở nên nguy hiểm, khó khăn. Việc quản lý quá trình thực hiện quy định DN phải có 20% vốn trên tổng số đầu tư mới được cấp giấy phép còn lỏng lẻo. Nhiều DN có thể sinh ra các công cty con để lách luật theo hình thức này khác, rủi ro lớn không chỉ với hệ thống tín dụng mà với cả các chủ đầu tư. Đây là hai yếu tố sống còn mà ngân hàng nhà nước phải quan tâm.
Tìm đường đến với vốn ngoại
Khi các nguồn vốn nội bị siết chặt thì vốn ngoại, với lãi suất thấp đang thực sự hấp dẫn những đại gia bất động sản. Chính vì thế mà việc một công ty bất động sản nội liên kết với quỹ đầu tư ngoại không còn là chuyện hiếm. Đơn cử như Tập đoàn Kajima (Nhật Bản) đầu tư 1 tỉ USD vào Indochina Captipal – một tập đoàn bất động sản và tài chính hàng đầu Việt Nam.

Đầu tháng 8/2016, Công ty Cổ phần đầu tư Nam Long (mã NLG) tiếp tục hợp tác cùng hai nhà đầu tư hàng đầu Nhật Bản – Hankyu Realty và Nishi Nippon Railroad để phát triển một dự án mới mang tên Fuji Residence.
Tập đoàn Novaland cho biết mới đây đã phát hành 50 triệu USD trái phiếu chuyển đổi cho các đối tác chiến lược, trong đó đáng chú ý là có sự tham gia của 2 quỹ đầu tư ngoại là VinaCapital (15 triệu USD) và Dragon Capital và một tập đoàn tài chính khác.
Thị trường bất động sản Việt Nam: “miếng bánh ngon” cho nhà đầu tư ngoại
Theo số liệu mới nhất từ đơn vị nghiên cứu thị trường JLL cho thấy, lượng giao dịch bất động sản toàn cầu trong quý 2/2016 đạt tổng giá trị 148 tỷ đô la Mỹ, giảm 12% so với cùng kì năm trước. Theo đó, tổng giá trị giao dịch nửa đầu năm đạt 281 tỷ đô la, giảm 13% so với sáu tháng đầu năm 2015.
Tại khu vực Châu Á Thái Bình Dương, hoạt động đầu tư đã giảm đáng kể trong quý 2/2016 xuống mức 22 tỷ đô la Mỹ, giảm 28% so với cùng kỳ năm trước. Điều này phần lớn là do sự sụt giảm giao dịch ở Trung Quốc và Nhật Bản với mức giảm lần lượt là 39% và 20%. Singapore là thị trường duy nhất trong khu vực có tăng trưởng trong nửa đầu năm 2016, chủ yếu từ giao dịch của bất động sản thương mại Asia Square trị giá 2.45 tỷ đô la trong tháng 6 vừa qua. Đây là thương vụ có trị giá giao dịch lớn thứ hai trên thế giới và lớn nhất trong khu vực do JLL là đơn vị tư vấn đầu tư.
Khi dòng vốn đầu tư vào khu vực châu Á Thái Bình Dương có dấu hiệu chững lại, thị trường bất động sản Việt Nam trở nên tiềm năng cho các nhà đầu tư nước ngoài, dẫn đầu là các nhà đầu tư Nhật Bản, Hàn Quốc và Singapore. Yếu tố tích cực thúc đẩy hoạt động M&A ở Việt Nam chính là triển vọng phát triển kinh tế khi tăng trưởng GDP được duy trì ở mức cao, đạt mức 5,6% so với các nước trong khu vực. Mô hình nhân chủng học ở Việt Nam với 70% dân số trong độ tuổi 15-64, thu nhập khả dụng gia tăng, tốc độ đô thị hóa nhanh đặc biệt ở Hà Nội và Hồ Chí Minh càng tăng tính hấp dẫn đối với thị trường này.
Tổng Hợp.
