Đầu tư chung cư cũ: nhiều nạc nhưng cũng lắm xương !

Trước tình hình nhiều chung cư cũ, tuổi thọ trên 50 năm tại TPHCM đang xuống cấp trầm trọng, nhu cầu xây mới, cải tạo, tái định cư tại chỗ đang trở nên “nóng” hơn bao giờ hết. Nhiều chung cư với vị trí đắc địa được nhiều chủ đầu tư ngỏ ý.

cai-tao-thao-do-chung-cu-cu
Chung cư 272 Trần Hưng Đạo, Q.5 hư hỏng nặng đang được tháo dỡ.

Chung cư sắp sập nhưng không chịu di dời

Câu chuyện tại chung cư 727 Trần Hưng Đạo, quận 5 là một điển hình. Được xây dựng trước năm 1975, khối chung cư cao 13 tầng này đã xuống cấp trầm trọng, không đảm bảo sự an toàn cho người dân. Mặc dù thành phố đã có chủ trương di dời từ nhiều năm trước nhưng phải mãi đến thời gian gần đây thì những hộ dân cuối cùng mới chịu đồng ý di dời. Nguyên nhân của sự kéo dài này là người dân không đồng tình với mức phí bồi thường, tái định cư.

Đó là tình trạng chung tại các chung cư cũ là người dân đều ý thức mức độ nguy hiểm của chung cư và mong muốn di dời nhưng vướng mắc lớn nhất khiến họ không đồng ý là do chi phí bồi thường chưa thỏa đáng và tái định cư không đảm bảo.

Thêm khó khăn về quy hoạch, về vốn chủ đầu tư

Thống kê của Sở Xây dựng TP.HCM hiện trên địa bàn có 45 lô chung cư cũ đã hư hỏng nặng với 4.450 hộ dân đang sinh sống, trong tổng số 474 chung cư cũ. Theo kế hoạch, từ nay đến năm 2020, thành phố sẽ tháo dỡ và đầu tư xây mới ít nhất 50% trong số đó. Thế nhưng, ngay cả khi đã có nghị quyết về cải tạo, xây mới chung cư cũ, việc tiến hành cải tạo, xây mới cũng không đơn giản. Việc cải tạo lại chung cư cũ chỉ được thực hiện theo phương thức xã hội hóa, nguồn lực chủ yếu dựa vào việc cân đối tài chính của dự án. Nhà nước chỉ hỗ trợ về công tác quy hoạch, chuẩn bị đầu tư và một số hạng mục hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội thiết yếu.

Theo ông Trần Trọng Tuấn, Giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM, từ năm 2006 đến nay, thành phố đã tháo dỡ 32 chung cư cũ, hư hỏng với diện tích sàn xây dựng tháo dỡ là 204.000 m2, di dời 4.000 hộ dân sinh sống trong các chung cư này. Thành phố cũng xây mới nhiều chung cư tái định cư với tổng diện tích sàn xây mới là 482.000 m2. “Tuy nhiên, con số 32 chung cư được tháo dỡ so với tổng chung cư cũ trên địa bàn là quá nhỏ, đây là kết quả không như mong muốn, chưa cải thiện đời sống của người dân và chỉnh trang đô thị” ông Tuấn nói.

Phó Chủ tịch UBND TP HCM Lê Văn Khoa vừa giao Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp với Sở Kế hoạch – Đầu tư, Quy hoạch – Kiến trúc và UBND quận 1 rà soát, đề xuất giải quyết kiến nghị của các đơn vị đề nghị tham gia cải tạo các chung cư cũ trên địa bàn quận 1.

tap-doan-sakara-muon-tham-gia-cai-tao-chung-cu-cu
Đại diện tập đoàn Sakkara muốn tham gia cải tạo chung cư cũ

Cụ thể, khu vực quận 1, với 98 lô chung cư thì Tập đoàn C.T Group và các công ty thành viên đã “giữ chỗ” gần 90 lô. Ngoài C.T Group, Công ty TNHH MTV Phát triển công nghiệp Tân Thuận, Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng Tuấn Lộc và Công ty TNHH Phát triển Phú Mỹ Hưng, Công ty cổ phần Đầu tư phát triển nhà Gia Bảo và liên danh Vinaconex-Hoàng Sơn-Quân Anh cũng muốn đầu tư cải tạo những chung cư cũ tại quận 1.

chung-cu-cu-xa-thanh-da
Chung cư cũ Thanh Đa được nhiều nhà đầu tư, chủ đầu tư săn lùng

Cư xá Thanh Đa (Quận Bình Thạnh) cũng được xem là một trong những chung cư cũ đắc địa của thị trường bất động sản TP HCM, đang có sự cạnh tranh của bốn đơn vị: Liên doanh NHO – VPG – TAG – NIBC – Bình Thạnh Resco, Tổng CT CP thương mại xây dựng Vietracimex, CT CP năng lượng Thiên Ân, CT TNHH thương mại và sản xuất Quản Trung.

Tập đoàn C.T Group và các CT thành viên muốn “ôm” trọn 90 lô chung cư cũ ở một số khu vực “đất vàng” trên địa bàn quận 1…

Tại quận 3, 11 lô chung cư Nguyễn Thiện Thuận đang được tập đoàn Novaland quan tâm.  17 lô chung cư Ngô Gia Tự tại quận 10 có 6 doanh nghiệp gồm: Công ty cổ phần Năng lượng Thiên An, Công ty cổ phần Phát triển bất động sản C30 Quận 10, Công ty Thuận Việt, Công ty Hoa Lâm, Tập đoàn Novaland và Công ty Eximland .

2 phương án chốt đầu tư cải tạo chung cư cũ

A. Phương thức theo diện tích đất:

  • Đối với chung cư có diện tích nhỏ hơn 500m2.

Do diện tích đất nhỏ, nếu xây dựng lại chung cư tái định cư tại chỗ sẽ không thể hoàn vốn cho nhà đầu tư. Do đó TP kiến nghị chọn nhà đầu tư có quỹ nhà, hoặc xây dựng nhà tái định cư ở nơi khác để bố trí cho các hộ dân trên cùng địa bàn quận (theo hình thức BT). Nhà đầu tư được hoàn trả bằng giá trị khu đất chung cư sau khi đã bố trí tái định cư cho người dân.

  • Đối với chung cư có diện tích từ 500m2 đến 1.000m2.

Sẽ thực hiện xây dựng mới chung cư và bố trí tái định cư tại chỗ, phần còn lại chủ đầu tư được phép bán kinh doanh để thu hồi vốn. Trường hợp phương án bố trí tái định cư tại chỗ không đảm bảo để nhà đầu tư thu hồi vốn, kiến nghị việc lựa chọn chủ đầu tư phải thực hiện kết hợp cho một nhóm chung cư, có cả chung cư có diện tích đất nhỏ hơn 1.000m2 và chung cư có diện tích đất từ 1.000m2 trở lên.

  • Đối với chung cư có diện tích từ 1.000m2 trở lên.

Thực hiện xây dựng mới chung cư và bố trí tái định cư tại chỗ, phần còn lại chủ đầu tư được phép bán kinh doanh để thu hồi vốn. Trong đó, xét ưu tiên cho các nhà đầu tư có kết hợp đăng ký thực hiện xây dựng mới tại các chung cư có diện tích nhỏ hơn 1.000m2 (bao gồm cả trường hợp 1 và 2).

B. Phương thức theo loại hình nhà ở

  • Đối với nhà phố hoặc biệt thự riêng lẻ.

Hầu hết các trường hợp này đều có diện tích nhỏ hơn 500m2, kiến nghị thực hiện theo như phương thức đối với chung cư có diện tích đất nhỏ hơn 500m2 (trường hợp 1).

  • Đối với nhà tập thể từ 2-4 tầng.

Nếu diện tích đất nhỏ hơn 500m2 thực hiện theo như trường hợp 1. Nếu diện tích đất từ 500m2 đến dưới 1.000m2 thực hiện như trường hợp 2. Nếu diện tích từ 1.000m2 trở lên thực hiện như trường hợp 3.

  • Đối với nhà chung cư từ 4 tầng trở lên.

Nếu diện tích đất từ 500m2 đến dưới 1.000m2, thực hiện theo như trường hợp 2; nếu diện tích đất từ 1.000m2 trở lên thực hiện như trường hợp 3.

Tổng Hợp.