Thị trường bất động sản 6 tháng đầu năm có mức tăng trưởng khá ổn định, trong đó đáng chú ý là lượng hàng tồn kho tại nhiều dự án tiếp tục giảm mạnh, dư nợ tín dụng có xu hướng tăng.

Tăng trưởng đạt đỉnh 6 năm
Tại hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm, tổ chức chiều 21/7, Bộ Xây dựng cho biết, trong nửa đầu năm, tại Hà Nội có khoảng 7.800 giao dịch thành công, tại Tp.HCM có khoảng 7.500 giao dịch thành công. Tính đến 20/6/2016, tổng giá trị tồn kho bất động sản còn khoảng 37.489 tỷ đồng, so với tháng 12/2015 giảm 13.400 tỷ đồng, tương đương 26,33%. Như vậy, so với mức tồn kho khoảng 74.000 tỷ đồng vào tháng 12/2014, nay giá trị tồn kho bất động sản đã giảm được một nửa.
Bộ Xây dựng cũng cho biết, kết quả giải ngân gói hỗ trợ 30.000 tỷ đồng tính đến tháng 5/2016 đạt tổng số tiền đã cam kết là 34.475 tỷ đồng, đã giải ngân 24.243 tỷ đồng. Trong đó, đối với hộ gia đình, cá nhân đã ký hợp đồng cam kết cho vay 54.570 hộ với số tiền là 26.701 tỷ đồng, đã giải ngân 54.064 hộ với số tiền là 19.998 tỷ đồng.Đối với tổ chức, doanh nghiệp, đã ký hợp đồng cam kết cho vay 60 dự án với số tiền là 7.774 tỷ đồng, đã giải ngân 60 dự án với dư nợ là 4.884 tỷ đồng.
Ngành xây dựng trong 6 tháng đã tăng trưởng 8,8% – mức tăng cao nhất kể từ năm 2010 trở lại đây, Bộ trưởng Phạm Hồng Hà cho biết. Tỷ lệ đô thị hóa cả nước đạt khoảng 35,7%; quy hoạch chung đô thị đạt 100%; quy hoạch phân khu đạt 73%, quy hoạch chi tiết đạt 33%, quy hoạch xây dựng nông thôn đạt 100%. Diện tích bình quân nhà ở toàn quốc đạt khoảng 22,3 m2 sàn/người, tăng 0,3m2 sàn/người so với cuối năm 2015.
Chủ đầu tư tiếp tục bung hàng
Nếu như trong 2 quý đầu năm, giao dịch của thị trường có phần sụt giảm thì ngay khi bước vào quý đầu quý 3, thị trường địa ốc Tp.HCM đã chứng kiến sự sôi động khác lạ, khi hàng ngàn sản phẩm của những dự án lớn đã lần lượt gia nhập làm khuấy động thị trường.
Có thể thấy các chủ đầu tư đang bước vào cuộc đua nước rút trong hành trình chiếm lĩnh thị phần nhằm hoàn thành kế hoạch kinh doanh trong 6 tháng cuối năm.
Hàng loạt dự án khuấy động thị trường
Sự khác biệt trong thành phần nguồn cung dự án sẽ là một điểm đáng chú ý. Nếu như trong quý 3/2015 phân phúc căn hộ giá rẻ trở thành phân khúc chiếm lĩnh thị trường tại 2 khu vực Đông – Nam Tp.HCM. Thì trong quý 3/2016, thực tế cho thấy các sản phẩm được tung ra sắp tới chủ yếu thuộc phân khúc căn hộ cao cấp, đất nền, biệt thự, nhà phố liền kề thuộc khu Đông, khu Nam và Tây Tp.HCM.
Tại khu vực Nam Sài Gòn, trong tháng 7, Phúc Khang Corp – đơn vị có dòng sản phẩm xanh Diamond Lotus, lần đầu tiên giới thiệu tới khách hàng Hà Nội dự án Diamond Lotus Riverside tại triển lãm Vietbuild. Dự án có quy mô hơn 16.780 m2 với tổng mức đầu tư lên đến 1.268 tỷ đồng. Diamond Lotus Riverside cũng được biết đến như dự án đầu tiên và duy nhất tại Việt Nam được phát triển theo tiêu chuẩn kiến trúc xanh Leed của Mỹ. Toạ lạc tại vị trí sát quận 1, sở hữu vị thế 3 mặt giáp sông cùng những tiện ích như Sky Park (vườn treo trên không 5.000 m2), bến du thuyền, công viên ven sông (hơn 8.000 m2), club house… Cũng trong tháng 7, Phúc Khang Corp cũng đã giới thiệu ra thị trường dự án Diamond Lotus Lakeview tại trung tâm quận Tân Phú. Ngay trong sự kiện dành cho các nhà đầu tư vào ngày 10/7 vừa qua, hơn 300 căn hộ tại dự án đã được giao dịch thành công.

Tại trục phía đông thành phố, liên danh giữa Geleximco miền Nam và Tập đoàn Than – Khoáng sản Việt Nam cũng đã chào làng dự án Elite Park có quy mô 2 ha. Khi hoàn thành sẽ cung ứng ra thị trường 208 căn hộ.
Một loạt các dự án thuộc phân khúc cao cấp của những chủ đầu tư uy tín cũng ồ ạt xả hàng trong tháng 7 dự kiến sẽ cung cấp ra thị trường trên dưới 10.000 sản phẩm như: Carillon 5 của Sacomreal, Cityland Garden Hills, Cityland Center Hills (Gò Vấp), Cityland Riverside (quận 7), Cityland Park Hills, Cityland Luxury Villas của City Group, Golden Star của Hưng Lộc Phát, Soho Primier của Tiến Phát…
Có thể thấy hầu như các chủ đầu tư đều tranh thủ xả hàng trong tháng 7 để tránh mọi hoạt động mua bán trong tháng Ngâu.
Kích cầu và “chạy” lãi suất
Lý giải hiện tượng một loạt doanh nghiệp đẩy mạnh cuộc đua trên, ông Trương Anh Tú – Giám đốc Phát triển Kinh Doanh của Phúc Khang Corp cho biết, do e ngại những hệ quả đến từ Thông tư 36 do Ngân hàng Nhà nước ban hành về việc siết chặt tín dụng bất động sản, nên trong những tháng đầu năm các chủ đầu tư đã án binh bất động, giảm nguồn cung sản phẩm ra thị trường.
Tuy nhiên vào đầu tháng 6, việc Ngân hàng Nhà nước vừa ban hành Thông tư số 06/2016/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 36/2014/TT-NHNN ngày 20/11/2014 nới lỏng quy định về các giới hạn, tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động của tổ chức tín dụng đã khiến cho các chủ đầu tư thở phào, ồ ạt bung hàng để tranh thủ đón dòng tín dụng trước khi bị siết chặt.
“Đây chính là nguyên nhân cốt yếu kích thích thị trường phát triển sôi động trong những tháng cuối năm”, ông Tú nói.
Yếu tố thứ hai kích thích sự sôi động của thị trường địa ốc trong quý 3 chính là cơn sốt của giá vàng và thị trường chứng khoán hậu Brexit mới diễn ra trong những ngày đầu tháng 7 khiến khách hàng “lao đao” không biết đổ tiền vào đâu. Trong bối cảnh đó, bất động sản chính là kênh đầu tư được quan tâm hút dòng tiền từ thị trường vàng và chứng khoán. Một yếu tố khác có khả năng thúc đẩy mãi lực địa ốc trong những tháng cuối năm là sự biến động lãi suất những tháng cuối năm.
Theo đó, nhu cầu nhập khẩu của Việt Nam thường tăng mạnh vào cuối năm, mặt khác việc đồng USD trên thế giới đang trên đà hồi phục, sẽ tạo áp lực lên tỷ giá của Việt Nam. Đây là nguyên nhân có thể sẽ kích thích lãi suất tăng vào những tháng cuối năm.
Vì vậy, các chủ đầu tư sẽ tranh thủ mở bán dự án sớm để giúp khách hàng tranh thủ các chương trình ưu đãi lãi suất của ngân hàng.
Một yếu tố không kém phần quan trọng là trong 2 quý đầu năm, khi các chủ đầu tư “án binh bất động” thăm dò phản ứng của thị trường thì bắt buộc trong những tháng cuối năm các chủ đầu tư phải nhanh chạy đua để hoàn thành chỉ tiêu kinh doanh của cả năm, đại diện Phúc Khang lý giải thêm.
Theo Vietnamnet