Sẽ công khai dự án bất động sản thế chấp ở ngân hàng

Các tranh chấp trong chung cư thời gian qua như ngân hàng xiết nợ chung cư The Harmona vì chủ đầu tư mang dự án đi thế chấp nhưng không trả nợ đúng hạn cho ngân hàng; người dân tại chung cư Bảy Hiền Tower “bỗng dưng” bị cúp điện, nước và không được vào nhà… khiến nhiều người đang mua nhà tại các dự án chung cư rất hoang mang. Người dân có ý định mua chung cư ngày càng dè dặt hơn…

Thông tin một chiều từ … chính chủ đầu tư

Luật Kinh doanh bất động sản (BĐS) 2014 quy định trước khi xây dựng dự án, chủ đầu tư phải thông báo cho Sở Xây dựng và được sở này xác nhận thì mới được phép xây dựng. Bên cạnh đó, các thông tin liên quan đến dự án phải được công bố đầy đủ trên trang web của Sở Xây dựng. Ngoài ra, Luật Nhà ở 2014 và Nghị định 99 hướng dẫn Luật Nhà ở 2014 cũng quy định rõ, chủ đầu tư dự án phải công khai thông tin, báo cáo tình hình thực hiện dự án cho các cơ quan chức năng và người mua nhà trước khi bán nhà ở hình thành trong tương lai.

nguoi-mua-nha-chi-tim-hieu-thong-tin-tu-chu-dau-tu
Người mua nhà chủ yếu tìm hiểu thông tin dự án từ chủ đầu tư (Ảnh: HUY ANH)

Mặc dù luật đã quy định rõ ràng như vậy nhưng hiện nay, nhiều chủ đầu tư vẫn thiếu minh bạch trong việc thông tin về dự án cho người mua nhà. Do vậy, người mua nhà muốn tìm hiểu thông tin thường phải tham khảo chủ yếu trên trang web Sở Xây dựng. Trong khi đó, như ông Nguyễn Mạnh Khởi, Phó cục trưởng Cục Quản lý nhà (Bộ Xây dựng), nhìn nhận: “Chỉ có chủ đầu tư mới nắm thông tin đầy đủ nhất”. Chẳng hạn, tại hơn 30 dự án nhà ở tại TPHCM đang công khai bán, dù đã được ngành chức năng xác nhận tính pháp lý, tuy nhiên nếu muốn biết thông tin về giá cả, diện tích căn hộ, tình trạng thế chấp ra sao, người mua nhà phải hỏi chủ đầu tư (!?).

“Trị giá một căn hộ rất lớn, nhiều khi là cả một gia tài với nhiều người nên chủ đầu tư phải có trách nhiệm cung cấp thông tin đầy đủ, chính xác cho người mua. Ngành chức năng cũng phải có trách nhiệm đảo bảo cho việc này được thực thi nghiêm túc”, ông Khởi nói.

Hơn 7.000 căn hộ chưa được cấp giấy chứng nhận

Hiện nay, đa số các dự án nhà ở đều được chủ đầu tư đem đi thế chấp để vay tiền, thực hiện dự án. Theo quy định, để được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà và tài sản gắn liền trên đất (GCN), thì chủ đầu tư phải thực hiện giải chấp phần thế chấp và làm các thủ tục liên quan để được cơ quan chức năng cấp GCN nhà cho người dân. Số liệu về việc này tại Sở Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) cho thấy, trên địa bàn TPHCM hiện có 73 dự án đầu tư xây dựng nhà ở đang nộp hồ sơ để được cấp GCN, với tổng số gần 15.000 căn. Đến nay, Sở TN-MT đã giải quyết 7.800 căn. Như vậy, còn đến hơn 7.000 căn hộ chung cư của người dân vẫn chưa được cấp GCN. Cư dân tại các chung cư này đang phập phồng lo sợ, không biết có bị rơi vào tình trạng chủ đầu tư mang dự án thế chấp mà không thực hiện việc trả nợ và giải chấp theo quy định như trường hợp chung cư The Harmona hay không…

Giám đốc Sở TN-MT, ông Nguyễn Toàn Thắng cho biết, những hồ sơ còn lại đang được sở giải quyết trong thời gian sớm nhất. Ngoài ra, Sở TN-MT cũng đang rà soát lại toàn bộ dự án nhà ở được thế chấp ở ngân hàng là nguyên nhân chính làm người mua nhà chưa được cấp GCN. Sở TN-MT sẽ yêu cầu các chủ đầu tư nghiêm túc thực hiện việc đăng ký thay đổi nội dung thế chấp, thỏa thuận về thay đổi rút bớt tài sản thế chấp với tổ chức tín dụng (giải chấp). Sau khi chủ đầu tư giải chấp các tài sản này, Sở TN-MT sẽ giải quyết cấp GCN cho người mua nhà ở. Trường hợp chủ đầu tư không thực hiện, Sở TN-MT sẽ xử phạt với hành vi không đăng ký biến động đất đai. Sở cũng sẽ công khai tình trạng vi phạm trên trang web của sở, Bộ TN-MT, Tổng cục Quản lý đất đai để các chủ đầu tư vi phạm sẽ không đủ điều kiện để được xem xét giao đất đối với những dự án tiếp theo.

Kiểm soát và Công khai việc thế chấp dự án

Để tránh những lo lắng cho người dân, ông Nguyễn Toàn Thắng khẳng định, sở sẽ kiểm soát chặt việc thế chấp dự án của chủ đầu tư để đảm bảo quyền lợi các bên. “Chủ đầu tư muốn thế chấp thì phải có sổ đỏ và đăng ký giao dịch bảo đảm tại Văn phòng Đăng ký đất đai TP. Khi nội dung thế chấp thay đổi như muốn bán một phần tài sản thì phải làm thủ tục đăng ký và được sự đồng ý của các bên như ngân hàng, người mua. Việc đăng ký các giao dịch bảo đảm của dự án cần phải được công khai để người mua dễ dàng tìm hiểu, nắm được tình trạng pháp lý của dự án. Sở TN-MT sẽ kiến nghị TP thực hiện nghiêm việc này”. Ngoài ra, ông Nguyễn Toàn Thắng cam kết, Sở TN-MT sẽ chỉ đạo Văn phòng Đăng ký đất đai TP công khai thông tin thế chấp ngân hàng của các dự án, để người dân nắm rõ tình trạng pháp lý, giảm thiểu rủi ro khi mua.

Liên quan đến việc cấp GCN cho người mua nhà ở các dự án mà chủ đầu tư đã thế chấp, Văn bản số 184 ngày 14-4-2016 của Bộ Tư pháp quy định: UBND TPHCM yêu cầu chủ đầu tư đăng ký thay đổi nội dung thế chấp, thỏa thuận về thay đổi rút bớt tài sản thế chấp với tổ chức tín dụng. Sau khi chủ đầu tư đăng ký thay đổi nội dung thế chấp (rút bớt tài sản) sẽ giải quyết cấp GCN cho người mua nhà ở. Trường hợp chủ đầu tư không thực hiện, UBND TPHCM căn cứ vào mức độ vi phạm của chủ đầu tư để xem xét, xử lý theo quy định. Trường hợp phát sinh tranh chấp do người mua nhà không được cấp GCN thì kịp thời hướng dẫn người mua nhà thực hiện khởi kiện chủ đầu tư theo quy định của pháp luật tố tụng dân sự, yêu cầu bồi thường thiệt hại hoặc hủy hợp đồng. Trường hợp chủ đầu tư còn tài sản riêng chưa được chứng nhận sở hữu trên GCN đã cấp thì xem xét cấp GCN cho chủ đầu tư, tài sản này sẽ trở thành tài sản thế chấp thay cho tài sản thế chấp là căn hộ mà chủ đầu tư đã bán.

MINH HUY

Theo SGGP