Mới đây, Sở Quy hoạch-Kiến trúc Hà Nội đã ra thông báo chủ đầu tư dự án khu đô thị, trung tâm thương mại phải có tối thiểu 3 tầng hầm để xe. Mặc dù vẫn còn nhiều luồng ý kiến xung quanh quyết định này nhưng đây được kỳ vọng sẽ chấm dứt tình trạng khan hiếm chỗ để xe tại các tòa nhà chung cư.
Tình trạng thiếu chỗ để xe – Quy định xuất phát từ thực tiễn
Tình trạng thiếu chỗ để xe hiện nay đang ngày càng phổ biến tại các dự án căn hộ chung cư Hà Nội. Tình trạng này không chỉ gây ra sự lộn xộn, luộm thuộm do xe cộ để tràn lan ra bên ngoài dự án mà còn gây ra nhiều bức xúc cho cư dân. Thêm vào đó, việc khan hiếm chỗ để xe cũng dễ gây ra tình trạng tiêu cực, tăng giá trông xe vô tội vạ của đơn vị quản lý hoặc chủ đầu tư. Đã từng xuất hiện tình trạng cư dân và chủ đầu tư phải kéo nhau ra tòa để tranh tụng chuyện chỗ để xe.
Tình trạng thiếu chỗ để xe, đặc biệt là xe ô tô tại các dự án nhà cao tầng được dự báo sẽ ngày càng nghiêm trọng khi đến năm 2020, có đến 70-80% người dân sống tại các đô thị có đủ khả năng mua ô tô.
Trước tình trạng đó, mới đây, Giám đốc Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội đã ký thông báo gửi tới các phòng ban chuyên môn của Sở này với yêu cầu hướng dẫn , thông báo các chủ đầu tư về việc phải có tối thiểu 3 tầng hầm để xe và xây dựng nhà vệ sinh công cộng tại các công trình, khu đô thị, trung tâm thương mại
Cụ thể, trong quá trình thẩm định các đồ án, dự án phải thực hiện nghiêm túc các nội dung như: Đối với các đồ án, dự án mới nộp vào Sở để thẩm định, chấp thuận quy hoạch chi tiết, tổng mặt bằng, phương án kiến trúc, khi kiểm tra hồ sơ nếu không đủ 3 tầng hầm với chức năng để xe, cần yêu cầu các chủ đầu tư bố trí tối thiểu 3 tầng hầm làm chỗ để xe cho công trình và khu vực xung quanh; bố trí nhà vệ sinh công cộng (có thể tại tầng 1 công trình) có lối tiếp cận bên ngoài để phục vụ dự án và khách vãng lai trong khu vực…
Đã xảy ra nhiều tranh chấp giữa cư dân và chủ đầu tư về chỗ để xe
Đối với các đồ án, dự án đã xong về thủ tục nhưng chưa đầu tư xây dựng, nay có nhu cầu điều chỉnh về quy hoạch, kiến trúc hoặc trả lời văn bản liên thông cho các sở, ngành liên quan (cấp chứng nhận đầu tư, xin phép xây dựng…) các phòng được giao thẩm định yêu cầu chủ đầu tư bổ sung tầng hầm đỗ xe (nếu chưa đủ từ 3 tầng hầm trở lên) và nhà vệ sinh công cộng theo yêu cầu nêu trên. Trường hợp chỉ điều chỉnh về kiến trúc mà giữ nguyên các chỉ tiêu quy hoạch được phê duyệt thì yêu cầu chỉnh sửa bản vẽ, phương án kiến trúc đủ 3 tầng hầm để xe và xác nhận điều chỉnh phương án kiến trúc đã bổ sung tầng hầm và nhà vệ sinh công cộng…
Như vậy, với thông báo trên kể từ nay các dự án nhà cao tầng trên địa bàn Hà Nội bắt buộc phải có tối thiểu là 3 tầng hầm với mục đích tăng cường chỗ để xe cho người dân, hạn chế áp lực về chỗ để xe cho thành phố.
Nhiều ý kiến trái chiều về chỗ để xe
Ngay sau khi thông báo này được phát ra, đã xuất hiện khá nhiều luồng ý kiến cho rằng đây là một quyết định có phần vội vàng và cứng nhắc của Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội. Tuy nhiên, cũng có không ít ý kiến đồng tình.
Nhiều chủ đầu tư lo ngại, việc áp đặt dự án nào cũng phải làm 3 tầng hầm sẽ khiến chi phí đầu tư dự án tăng lên và người cuối cùng phải gánh chịu là người mua nhà.
Theo tính toán, chi phí làm hầm càng sâu sẽ càng tốn kém, ví dụ đối với tầng hầm thứ 3 thì chi phí xây dựng sẽ đội thêm 1,5 lần so với làm tầng nổi. Do đó, chỉ nên áp dụng quy định này đối với những dự án chung cư cao cấp trong nội đô do có quỹ đất hạn hẹp. Còn đối với những dự án xa trung tâm, chỉ cần quy định tỷ lệ để bảo đảm người dân ai cũng có chỗ đậu xe sẽ hợp lý hơn.
Trao đổi với PV báo Tiền phong, Ông Trần Chủng – nguyên Cục trưởng Cục Giám định Nhà nước về chất lượng công trình (Bộ Xây dựng) cho rằng, quy định bắt buộc phải có tầng hầm đối với dự án nhà cao tầng là cần thiết. Nhưng, nếu có quy định, thì Sở QH-KT Hà Nội phải quy định cụ thể loại và cấp công trình buộc phải tuân thủ theo hướng dẫn, quy chuẩn của Bộ Xây dựng về quy định phân cấp công trình xây dựng và hướng dẫn áp dụng trong quản lý hoạt động đầu tư xây dựng, chứ không thể đánh đồng, quy chụp tất cả các công trình phải thực hiện giống nhau được.
Không nhất thiết phải làm 3 tầng hầm nếu có đủ không gian để đậu xe?
Ông Chủng phân tích, theo quy chuẩn hướng dẫn chỉ tiêu kiến trúc áp dụng cho công trình nhà ở cao tầng, trong đó có chỉ tiêu chỗ đỗ xe (ô tô, xe máy, xe đạp) áp dụng cho công trình nhà chung cư như: Đối với nhà ở thương mại, cứ 100m2 diện tích sử dụng của căn hộ, phải bố trí tối thiểu 20m2 chỗ để xe (kể cả đường nội bộ trong nhà xe); đối với nhà ở xã hội cứ 100m2 diện tích sử dụng của căn hộ, phải bố trí tối thiểu 12m2 chỗ để xe (kể cả đường nội bộ trong nhà xe).
“Quy chuẩn về diện tích bố trí chỗ để xe cho nhà cao tầng đã có từ lâu, vấn đề ở đây là quản lý như thế nào vì dù có quy định nhưng nhiều chủ đầu tư không xây dựng hầm hay xây bớt tầng hầm đi để giảm chi phí đầu tư. Đơn giản xây nhiều tầng hầm chi phí vừa cao vừa mất thời gian thi công hơn việc xây các tầng sàn để bán”, vị này nói.
Sở Quy hoạch Kiến trúc lên tiếng
Lý giải về việc đưa ra chủ trương, lãnh đạo Sở Quy hoạch Kiến trúc cho rằng,với mức độ đô thị hóa, gia tăng dân số, phương tiện giao thông tại Hà Nội, nhất là ở khu vực nội thành lớn như hiện nay, nếu không sớm thực hiện chủ trương này thì nguy cơ ùn tắc là không thể tránh khỏi, thậm chí đường phố không còn lối để đi. Nền kinh tế càng phát triển, nhu cầu về chỗ để xe càng tăng mạnh.
Để giải quyết vấn đề này, Nhà nước không thể đủ vốn đầu tư để trang trải, nên chủ trương của thành phố là tất cả các nhà đầu tư cùng tham gia vào việc này. Nhưng không phải nhà đầu tư bị thiệt, thành phố sẽ có chủ trương cho phép nhà đầu tư khai thác các tầng hầm này, mang lại lợi ích cho nhà đầu tư.
Cũng theo lãnh đạo Sở này sau khi Thành ủy ra thông báo, Sở có chỉ đạo nội bộ yêu cầu hướng dẫn, thông báo các chủ đầu tư về việc phải có tối thiểu 3 tầng hầm để xe và xây dựng nhà vệ sinh công cộng tại các công trình, khu đô thị, trung tâm thương mại.
“Các hồ sơ vẫn tiếp tục được nhà đầu tư nộp vào và Sở phải thụ lý theo quy định, không thể dừng được. Nếu không có hướng dẫn thì không được, vì thế Sở mới ban hành một thông báo mang tính chất nội bộ, hướng dẫn các bộ phận xử lý hồ sơ.
Sau đó, chúng tôi cũng đã báo cáo UBND TP, đề nghị thành phố sớm ban hành quy định cụ thể về việc này. UBND TP sau đó, cũng đã có văn bản chỉ đạo giao Sở QH-KT chủ trì họp liên ngành để bàn phương án cụ thể hóa chỉ đạo của Thành ủy. Các sở sẽ họp liên ngành và Sở QH-KT sẽ tổng hợp ý kiến để sớm đề xuất thành phố. Khi nào UBND TP ban hành quy định thì mới chính thức có hiệu lực để thực hiện. Đây là việc phức tạp, liên quan đến nhiều đầu mối nên phải có thời gian. Nhưng hồ sơ hành chính thì Sở vẫn phải nhận vào và xử lý theo quy định.
Quy định mới sẽ chấm dứt cảnh lấn chiếm vỉa hề để xe vì thiếu chỗ trong tòa nhà?
Nhiệm vụ của các sở ngành là phải họp bàn để tham mưu cho thành phố xem “công trình” nào sẽ áp dụng quy định này. Đối tượng nào sẽ làm tối thiểu 3 tầng hầm, đối tượng nào không… Tóm lại là phân loại công trình, nội thành, ngoại thành thế nào, rất nhiều yếu tố. Hướng dẫn cụ thể thế nào còn đang bàn, chứ không có chuyện bắt buộc tất cả các công trình đều phải có tối thiểu 3 tầng hầm”, lãnh đạo Sở cho biết.
Lãnh đạo Sở cũng cho rằng chủ trương này sẽ không xung đột hay trái quy định hiện hành bởi theo quy chuẩn đối với nhà cao tầng hiện nay như: Đối với nhà ở thương mại, cứ 100m2 diện tích sử dụng của căn hộ, phải bố trí tối thiểu 20m2 chỗ để xe (kể cả đường nội bộ trong nhà xe); đối với nhà ở xã hội cứ 100m2 diện tích sử dụng của căn hộ, phải bố trí tối thiểu 12m2 chỗ để xe (kể cả đường nội bộ trong nhà xe)…, là tiêu chuẩn tối thiểu. Còn nhu cầu tăng cao do sự phát triển của thực tế thì việc tăng diện tích tầng hầm là đúng. Điều này cần giải quyết khi Hà Nội đang thiếu chỗ cho giao thông tĩnh phải đỗ xe trên vỉa hè.
“Với những chủ trương mới, chúng tôi nghĩ sự phản biện của dư luận xã hội là đương nhiên. Chúng tôi lắng nghe, tiếp thu các ý kiến phản biện một cách cầu thị. Thực tế, từ khi Sở ra thông báo, chúng tôi cũng chưa nhận được phản ánh của doanh nghiệp nào về chủ trương này”, lãnh đạo Sở QH-KT nhấn mạnh.(Theo TP)
Tổng Hợp