Những năm qua, thành phố Vĩnh Long đã được đầu tư xây dựng nhiều công trình trọng điểm, góp phần hoàn thiện cơ sở hạ tầng, thu hút đầu tư trong và ngoài nước. Mục tiêu đến năm 2020 đưa thành phố Vĩnh Long lên đô thị loại II đã đạt được 87%.
Nhiều công trình, dự án đang triển khai giai đoạn 2018 – 2020, 2020 – 2022 với số vốn hàng ngàn tỷ đồng, hứa hẹn sẽ mang lại một diện mạo mới và hiện đại cho Vĩnh Long.

Nằm giữa Đồng bằng sông Cửu Long, Vĩnh Long có nhiều nét tương đồng về điều kiện tự nhiên, vị trí địa lý với các tỉnh trong khu vực. Vĩnh Long có mạng lưới sông ngòi chằng chịt, là đầu mối giao thông nối liền giữa vùng và quốc tế thông qua các cửa biển. Tiềm năng phát triển kinh tế còn rất lớn và chưa được khai thác.
Vĩnh Long – Từng chặng đường phát triển
Năm 2007, Vĩnh Long được công nhận là đô thị loại III.
Năm 2009, Vĩnh Long được công nhận là thành phố trực thuộc tỉnh.
Năm 2010- 2015, TP Vĩnh Long đã thu hút đầu tư gần 6.200 tỷ đồng xây dựng 202 công trình cơ sở hạ tầng kỹ thuật và 38 công trình cơ sở vật chất phục vụ phát triển văn hóa- xã hội. Hiện, 94% hộ dân có nhà ở kiên cố, tỷ lệ đô thị hóa đạt gần 76% diện tích nhà ở, diện tích bình quân sử dụng nhà ở gần 15 m2/người.
Năm 2015- 2020, Đảng bộ TP Vĩnh Long đề ra chỉ tiêu xây Phường 1, Phường 2 và Phường 4 đạt chuẩn văn minh đô thị; thực hiện tốt đề án phát triển chợ theo phương châm “lấy chợ nuôi chợ” và hoàn thành đề án chuyển đổi mô hình quản lý chợ; đề án phát triển công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp thành phố, tạo động lực phát triển kinh tế- xã hội bền vững.

Nhận xét về “hiện tượng” bức phá của Vĩnh Long, TS. Võ Hùng Dũng, Giám đốc VCCI cho rằng: Tỉnh Vĩnh Long đã có một nền tảng khá tốt, năm 2010 và 2013 địa phương này đã lọt vào nhóm tốt dẫn đầu khu vực. Tuy nhiên, từ năm 2013-2015 thì bị chùng xuống và năm 2016 đã vươn lên mạnh mẽ; những chỉ số còn hạn chế như tính năng động, tiếp cận đất đai, gia nhập thị trường ở các năm trước đã được cải thiện. Hàng quý địa phương đều tổ chức đối thoại với DN nhưng không ồn ào, mà đi vào thực chất giải quyết dứt điểm vướng mắc cho DN ngay tại buổi đối thoại, từ đó những vụ khiếu nại của DN ngày một thưa dần và chỉ còn lại những vụ việc “gai gốc” vượt ngoài thẩm quyền của tỉnh.
Vĩnh Long – Hướng đến Đô thị loại II
Ông Nguyễn Văn Hiệp- Phó Trưởng Phòng Quản lý đô thị TP Vĩnh Long cho biết: để thực hiện các tiêu chí của đô thị loại II, thành phố đã lập quy hoạch phân khu đô thị 11/11 xã- phường (đạt 100%); hoàn thiện và trình phê duyệt quy chế quản lý quy hoạch kiến trúc đô thị, nhằm phục vụ tốt cho công tác quản lý quy hoạch, kiến trúc và xây dựng trên địa bàn
Trên địa bàn tỉnh có 5 tuyến Quốc lộ chạy qua, gồm Quốc lộ 1A, Quốc lộ 53, Quốc lộ 54, quốc lộ 57 và Quốc lộ 80 với tổng dài là 142,2 km. Có 1.420 km đường xã, mặt đường trải đá, đan, nhựa chủ yếu; hầu hết số ấp ở nông thôn đã có thể thông xe 2 bánh cả hai mùa mưa nắng; 100% số xã có đường ô tô đến trung tâm, 28% số xã có đường ô tô liên ấp.
Theo ông Nguyễn Văn Hiệp, vấn đề trước mắt là cần đẩy nhanh việc lập chương trình phát triển đô thị loại II, điều chỉnh quy hoạch chung thành phố đến năm 2030 tầm nhìn 2050. Bên cạnh, cần có sự thống nhất giữa các cấp trong quy hoạch đất đai và nguồn vốn đầu tư; có nhiều giải pháp linh hoạt để giúp thành phố kêu gọi đầu tư theo hình thức xã hội hóa; có chính sách ưu đãi về thuế trong sử dụng đất để các nhà đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng kỹ thuật, khu dịch vụ- thương mại- du lịch- văn hóa.
Quyền Bí thư Thành ủy Vĩnh Long Hồ Văn Huân cho biết: Một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong nhiệm kỳ mới là, thành phố sẽ lập chương trình phát triển đô thị loại II để làm cơ sở đề ra các nhiệm vụ, giải pháp đẩy nhanh công tác đầu tư phát triển kinh tế- xã hội, kết cấu hạ tầng của thành phố. Trong đó, sẽ chú trọng xây dựng đô thị theo hướng “sáng- xanh- sạch- đẹp- an toàn và thân thiện”.
Tổng Hợp