Theo thông tư mới do Bộ Tài chính ban hành, từ 15/11/2016 nếu bán nhà ở xã hội, người bán phải nộp cho ngân sách nhà nước từ 50 – 100% tiền sử dụng đất, tùy loại nhà.

Nội dung Thông tư cũng quy định, việc xác định tiền sử dụng đất phải nộp khi bán lại nhà ở xã hội được quy định tại khoản 4 Điều 19 Nghị định số 100/2015/NĐ-CP. Cụ thể, giá đất để tính tiền sử dụng đất được xác định theo giá đất ở do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định tại Bảng giá đất nhân (x) với hệ số điều chỉnh giá đất tại thời điểm người mua, thuê mua bán lại nhà ở xã hội.
Trường hợp người mua, thuê mua nhà ở xã hội bán lại nhà ở xã hội là căn hộ chung cư thì phải nộp tiền sử dụng đất là: 50% (x) diện tích căn hộ (x) giá đất (x) hệ số phân bổ tiền sử dụng đất cho căn hộ.
Trường hợp người mua, thuê mua nhà ở xã hội bán lại nhà ở xã hội là nhà ở thấp tầng liền kề thì bên bán nhà ở xã hội phải nộp 100% tiền sử dụng đất. Tiền sử dụng đất được xác định theo giá đất quy định tại khoản 1 Điều này nhân (x) với diện tích đất của nhà ở xã hội.
Hệ số phân bổ để xác định tiền sử dụng đất trong trường hợp bán nhà ở xã hội là căn hộ chung cư được xác định bằng tỷ lệ giữa diện tích căn hộ trên tổng diện tích sàn tòa nhà (VD: Căn hộ diện tích 60m2, tổng diện tích sàn tòa nhà 600m2 thì hệ số phân bổ là: 60/600 = 0,1).
Trường hợp nhà ở xã hội có tầng hầm (toàn bộ hoặc một phần) và được xác định là thuộc sở hữu chung của các đối tượng sinh sống trong tòa nhà thì việc xác định diện tích tầng hầm để phân bổ cho từng căn hộ được thực hiện theo quy định pháp luật đất đai và được cộng vào tổng diện tích căn hộ bán để tính hệ số phân bổ; Trường hợp diện tích tầng hầm được xác định là thuộc sở hữu riêng của chủ đầu tư thì không phân bổ vào diện tích căn hộ bán. Tổng diện tích sàn tòa nhà được xác định sau khi đã trừ đi phần diện tích được phép kinh doanh thương mại theo quy định (nếu có).
Theo Lục Giang – Phapluatplus.vn
Đây được xem là biện pháp hữu hiệu để tránh tình trạng nhiều nhà đầu tư “đầu cơ” vào nhà ở xã hội – vốn là một trong những chính sách của Nhà nước hỗ trợ cho người có thu nhập thấp có được một mái ấm. Dư luận xã hội vừa qua vẫn chưa hết bức xúc với việc một giám đốc sở hữu nhiều nhà ở xã hội.
Trong khi những nhà quản lý nỗ lực xây dựng chính sách cho vay mua nhà ở xã hội (NƠXH) thông thoáng hơn để nhiều người có cơ hội thì thời gian qua, dư luận vẫn dấy lên mối lo ngại một bộ phận không nhỏ những đối tượng có thu nhập cao, đang trục lợi chính sách, mua nhà để đầu cơ, dẫn đến tình trạng nhiều người có khó khăn về nhà ở vuột mất cơ hội tiếp cận các dự án.

TS Phạm Sỹ Liêm – Viện trưởng Viện Nghiên cứu Xây dựng và đô thị (Tổng hội Xây dựng) cho biết, trên thực tế đã xảy ra tình trạng có người mượn danh thu nhập thấp (TNT) để mua nhà hưởng ưu đãi. Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng này chính là do việc xác định người có TNT rất khó nếu chỉ căn cứ vào mức lương không phải nộp thuế thu nhập. Lương thì ai cũng biết, nhưng thu nhập ngoài lương thì rất khó kiểm soát. Chưa kể tại một số dự án NƠXH, nhiều người sau khi được quyền mua nhà đã lập tức chuyển nhượng với mức chênh khoảng 1 triệu đ/m2. Không biết họ là người có TNT hay thu nhập cao nhưng đây cũng chính là một hiện tượng mua bán nhằm mục đích đầu cơ.
Theo quy định hiện nay, đối tượng không phải nộp thuế thu nhập cá nhân, đồng thời có diện tích nhà bình quân thấp dưới 8m2 sẽ được mua nhà TNT. Việc Bộ Xây dựng đưa thêm tiêu chí về nhà ở có diện tích dưới 8m2 sẽ hạn chế phần nào việc xác định sai đối tượng. Tuy nhiên, quy định mới cũng mở rộng đối tượng học sinh, sinh viên cũng có thể mua NƠXH.

Theo Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng, một tín hiệu rất mừng hiện nay là người mua nhà chủ yếu để ở, khác một thời kỳ BĐS sốt ảo bởi thị trường toàn người đầu cơ mua đi bán lại. Tuy nhiên, để tháo gỡ khó khăn thị trường BĐS cần một chiến lược phát triển dài hạn. Bộ Xây dựng cũng đã đưa ra một loạt giải pháp, trong đó có những giải pháp tháo gỡ khó khăn thị trường BĐS gắn với việc thực hiện chiến lược phát triển nhà ở quốc gia. Việc xem xét một số dự án được chuyển sang đất nền cho người dân có nhu cầu nhà ở để họ tự xây thay vì chủ đầu tư xây phù hợp để huy động nguồn lực của người dân nhưng đồng thời đáp ứng nhu cầu và khả năng của họ. “BĐS làm ra phải đến được với người dân, phù hợp với nhiều đối tượng người dân từ người giàu đến người nghèo, đặc biệt là bộ phận người dân nghèo có khó khăn về nhà ở”, Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng khẳng định.
Theo BaoXayDung